Hầu hết các cặp đôi có điều kiện, khi cưới nhau đều nghĩ ra những ý tưởng
chụp ảnh cưới độc đáo và hoành tráng. Bức ảnh to treo giữa nhà và album ảnh dày
cộp với các hình ảnh đẹp lung linh luôn là cách để các cặp vợ chồng lưu giữ
khoảnh khắc trọng đại của đời mình.
Hầu hết các cặp đôi đều chụp ảnh
cưới để lưu lại khoảnh khắc trọng đại của mình.
Tuy vậy, với cặp đôi
chẳng may “đứt gánh giữa đường” thì những bức ảnh cưới được xem như kỷ vật quý
báu ấy lại trở nên thừa thãi. Trước thứ đồ gợi nhớ quá khứ ấy, các chị em kém
may mắn trong hôn nhân đã phải chật vật tìm ra cách xử lý của riêng
mình.
Trên các diễn đàn dành riêng cho “phái đẹp”, không ít lần chị em
phụ nữ “đăng đàn” chưng cầu ý kiến nên xử lý ảnh cưới thế nào sau khi chia tay.
Rất nhiều “cao kiến” được đưa ra, người thì cho rằng nên gói gọn lại và cất vào
một góc bởi dù sao đó cũng từng là minh chứng cho một tình yêu, người lại đề
xuất nên vứt bỏ bằng cách: đốt, xé, đập, vứt ra sọt rác… để tránh bị tổn thương
mỗi khi nhìn thấy.
Từng rất hào hứng chọn khung, in hình, treo ảnh cưới
nhưng sau khi ly hôn, chị Nguyễn Ngọc Lan (sinh năm 1989, Hà Giang) cũng chấp
nhận gỡ bỏ cả ảnh cưới lẫn nhẫn cưới vì không muốn nhớ đến cuộc hôn nhân nhiều
nỗi đau. Tuy vậy, chị không vứt vào thùng rác hay đốt bỏ mà gửi cả về nhà chồng
để họ toàn quyền xử lý.
Bức ảnh cưới nằm cồng kềnh trên chiếc xe rác
chở đi khắp các con phố.
“Sau khi chia tay, tôi không muốn lưu luyến gì
nên gỡ bỏ cả ảnh cưới lẫn nhẫn cưới. Nhưng tôi không đốt vì người ta kiêng kị
đốt ảnh khi còn sống, cũng không bỏ thùng rác bởi như thế hơi mất mỹ quan. Tôi
gói lại và gửi cả về nhà chồng để họ tự xử lý. Tôi cũng không muốn giữ lại thứ
kỷ vật nào bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại”, chị Lan chia
sẻ.
Ôm con ra khỏi nhà không mang theo bất cứ thứ gì trừ quần áo, chị Cẩm
Lệ (Hà Nội) không phải chật vật xử lý ảnh cưới. Tuy nhiên, nếu buộc phải làm vậy
chị sẽ cho kỷ vật vào thùng rồi cất vào kho bởi, sống là nhìn về phía
trước.
“Khi đã có cuộc sống mới, chắc chắn tôi sẽ vứt bỏ chúng vì chẳng
ai vui vẻ gì khi nhìn thấy quá khứ của nhau. Còn vứt bỏ bằng cách nào thì còn
tùy vào lý do chia tay. Nếu cảm thấy còn tôn trọng và có chút vương vấn thì sẽ
gói gọn lại, cất vào góc nào ít khi qua lại. Còn nếu chia tay mà cạn tình cảm
rồi thì tốt nhất nên cho chúng ra khỏi nhà để không bị ảnh hưởng đến tâm trạng”,
chị chia sẻ.
Đành rằng là vứt bỏ,
nhưng không ít người loay hoay không biết vứt bỏ thế nào cho… văn minh. Anh
Hoàng Thanh (31 tuổi) rơi vào trường hợp đó. Anh cho hay, khi vợ cũ lấy chồng,
anh đã cho toàn bộ mọi kỷ vật vào hòm, khóa lại rồi cất gọn vào một góc nhà.
Riêng bức ảnh cưới và quá to nên anh chưa biết phải làm sao.
“Nếu là ảnh
đóng khung kính như ngày xưa thì dễ xử lý hơn, chỉ cần bóc ra, xé tấm ảnh đi là
xong. Đằng này, ảnh của tôi in nguyên trên một tấm gỗ to đùng, chẳng lẽ cứ thế
bê ra bỏ xe rác. Nếu không thì chỉ còn cách cưa thành từng miếng rồi cho vào bao
tải đem bỏ. Tôi cũng chưa biết nên làm sao cho phải”. Anh chia sẻ.
Nên xử
lý theo cách nhẹ nhàng nhất
Người hạnh phúc trong tình yêu thì luôn nâng
niu, trân trọng những thứ dù là nhỏ nhất của mình, còn người ly hôn, người không
được hưởng trọn vẹn hạnh phúc thì luôn giằng xé với hiện tại, thậm chí muốn ném,
muốn vứt bỏ hết những kỉ vật còn sót lại trong tình yêu. Tuy nhiên, liệu đó có
phải là cách làm phù hợp nhất?
Chúng tôi đã cùng chuyên gia tâm lý Bùi
Thanh Nhài (Trung tâm tư vấn tâm lý Thành Đạt) chia sẻ và phân tích vấn đề
này.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, sau khi ly hôn, giữ hay bỏ ảnh cưới
không quan trọng, quan trọng là phải giải quyết triệt để những vấn đề liên quan
đến tình cảm và pháp lý
Chuyên gia tâm lý Thanh Nhài chia sẻ, có rất
nhiều nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng rũ bỏ kỷ vật, có thể họ không muốn
những thứ thuộc về quá khứ đó làm ảnh hưởng đến tương lai, do tức giận đối
phương, “giận cá chém thớt”, hoặc những kỷ vật đó gợi lên những ký ức không vui
vẻ.
“Khi gặp trục trặc trong hôn nhân hoặc tình yêu, người ta thường rơi
vào trạng thái “sang chấn tâm lý”. Trạng thái này biểu hiện qua hành động, suy
nghĩ, thậm chí thay đổi thói quen sống, thay đổi thói quen trong tình yêu. Chính
vì vậy, việc vứt bỏ kỷ vật cũ giống như việc từ bỏ một vài thói quen mà họ cho
rằng, nó ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của mình. Đó là điều dễ hiểu”, chuyên
gia tâm lý chia sẻ.
Về việc nên lưu giữ hay hủy bỏ ảnh cưới, kỷ vật cưới
sau khi ly hôn, chuyên gia tâm lý Thanh Nhài cho rằng, nó phụ thuộc vào lý do
chia tay cũng như trạng thái tâm lý của từng người sau khi kết thúc cuộc hôn
nhân. Việc quan trọng nhất mà các cặp đôi cần làm là điều tiết cảm xúc, giải
quyết triệt để những vấn đề liên quan đến tình cảm, pháp lý để cả hai có thể dứt
bỏ thật nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của từng người cũng
như con cái.
“Ảnh cưới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc
sống. Nó ghi dấu lại khoảnh khắc trưởng thành, niềm hạnh phúc, kỷ niệm đẹp của
mỗi người. Nhưng khi không thể bên nhau được nữa thì hãy xem nó như là một món
đồ bình thường rồi xử lý chúng theo cách nhẹ nhàng nhất”, chuyên gia tâm lý đưa
ra lời khuyên.